Năm 1942 Chiến_tranh_nhân_dân_giải_phóng_Nam_Tư

Cuối năm 1941, do quân Chetnick vì tranh giành ảnh hưởng với Quân giải phóng nhân dân Nam Tư, nhúng tay vào các vụ thảm sát dân thường và liên hệ với các đơn vị Đức Quốc xã để tìm diệt các đơn vị du kích cộng sản Nam Tư, Đảng Cộng sản Nam Tư quyết định cắt đứt mọi liên hệ với tổ chức này. Giữa quân đội Chetnick và du kích cộng sản Nam Tư dã có một số cuộc đụng độ tại miền Đông Serbia. Việc này làm chia rẽ thêm cuộc kháng chiến chống quân chiếm đóng Đức-Ý tại Nam Tư và quân đội chiếm đóng Đức Quốc xã đã lợi dụng ngay sự chia rẽ này[30]

Quân Đức tấn công lần thứ hai

Ngày 15 tháng 1 năm 1942, quân đội Đức Quốc xã tại Nam Tư huy động các sư đoàn bộ binh 342, 718, và trung đoàn pháo binh 398 và 399 cùng 12 tiểu đoàn lính Ustaše từ Croatia và Slovenia với tổng quân số khoảng 33.000 người mở một cuộc càn quét lớn vào Montenegro nhằm tiêu diệt các đơn vị Quân giải phóng nhân dân Nam Tư vừa rút từ Tây Serbia sang đây. Quân du kích Nam Tư chỉ còn lại hơn 5.000 người. Họ buộc phải để các lực lượng Chetnick có quân số khoảng 3.000 người chiếm đóng phần đất của họ tại Serbia để tập trung chống lại quân Đức và quân Ustaše. Tuy đóng quân tại phần đất mà Quân giải phóng nhân dân Nam Tư đẻ lại nhưng các lực lượng Chetnick đã không tổ chức tấn công quân Đức. Tuy nhiên, quân Đức vẫn huy động hai trung đoàn bộ binh và một tiểu đoàn xe tăng tấn công quân Chetnick, đánh chiếm các thị trấn Drinyacha, Nova Kasaba và Shekovichi. Quân Chetnick tan vỡ, một phần nhỏ bỏ chạy và nhập vào các đơn vị Quân giải phóng nhân dân Nam Tư. Đa số còn lại hạ vũ khí đầu hàng và được quân Đức thu nạp, trong đó có Dragoljub Mihailović, thủ lĩnh của lực lượng này.[31]

Ngày 17 tháng 1, Lữ đoàn Vô sản 1 tổ chức một trận phục kích quân Ustaše ở làng Petrovic, diệt 138 quân Croatia. Tuy nhiên, trận đánh này không làm thay đổi được tình thế chiến trường. Với những lực lượng mạnh hơn được hỗ trở bởi pháo binh và xe tăng, ngày 18 tháng 1, quân Đức tiếp tục chiếm Bratunac, Sebrenitsa và Vlasenica, quân ngụy Albania cũng chiếm Khan-Pieska. Bộ chỉ huy Quân giải phóng nhân dân Nam Tư phải huy động 2/3 quân số của các đội du kích nhỏ lẻ cố gắng ngăn chặn cuộc tấc công của quân Đức từ phía Visegrad, Sarajevo và Kladno. Ngày 21 tháng 1, quân du kích tổ chức một trận phục kích lớn trên con đường từ Tuzla đi Kladno, đánh thiệt hại nặng trung đoàn 750 thuộc Sư đoàn bộ binh 718 (Đức). Các đội du kích tại Rogarica, Setlin, Mokro và Stuparac cũng chống cự quyết liệt cuộc tấn công của các trung đoàn 398, 738 (Đức) và 4 tiểu đoàn quân Utashi tấn công từ hướng Srajevo và Pale.[32]

Sau một tuần chiến đấu, Lữ đoàn Vô Sản 1 đã bị thiệt hại đáng kể. Tại Penovace và Belic Bodac, Tiểu đoàn 2 bị mất 73 người chết, 11 người bị thương. Tiẻu đoàn 5 cũng mất hơn 120 người chết và bị thương. Để tránh bị bao vây, Bộ Chỉ huy Quân giải phóng nhân dân Nam Tư buộc phải điều Lữ đoàn Vô Sản 1 khỏi khu vực miền Trung Serbia, nơi mà quân Đức đã xâm nhập Glasinac và Jahorin, còn quân Ustaše đã đánh chiếm Foce. Ngày 22 tháng 1, Trung ương KPJ và Bộ chỉ huy NOAJ quyết định rời khỏi Montenegro, chuyển căn cứ đến Bosnia-Herzegovina. Và từ đây, bắt đầu cuộc hành quân gian khổ của Quân giải phóng Nam Tư mang tên "Cuộc hành quân Igman". Cuộc hành quân táo bạo này được ví như cuộc "Tiểu Vạn lý trường chinh" của người Nam Tư để di chuyển đến căn cứ mới, bảo toàn lực lượng tiếp tục chiến đấu chống quân chiếm đóng Đức Quốc xã.[33]

NOAJ chuyển căn cứ đến Bosnia

Xe tăng hạng nhẹ H-39 của quân đội Đức Quốc xã bị lật nhào trong chiến dịch mùa đông 1941-1942 tại Nam Tư

Việc lựa chọn hướng hành quân trở thành một bài toán hóc búa đối với Bộ chỉ huy du kích Nam Tư. Nếu hành quân qua phía tây Sarajevo thì đó là con đường ngắn nhất để đến vùng núi phía bắc Bosnia nhưng cũng là con đường nguy hiểm nhất, Sarajevo là trung tâm của vùng nên phần lớn chủ lực của các sư đoàn bộ binh 342 và 718 (Đức) đều đóng quanh thành phố này. Nếu di chuyển vòng qua phía đông Sarajevo thì trên đường đi, đoàn quân phải vượt sông Bosna đang đóng băng dưới trời rét 30 độ dưới không vì quân Đức đã chiếm giữ tất cả các cây cầu bắc qua con sống này. Con đường này cũng buộc phải đi qua gần sân bay Rajlovac chỉ với khoảng cách 10 km. Đoàn quân rất dễ sa vào các ổ phục kích. Cuối cùng, các chỉ huy Lữ đoàn Vô Sản 1 đứng đầu là Cocha Popovic quyết định chọn con đường mòn qua núi Igman và men theo các cánh rừng bên rìa phía tây đồng bằng Sarajevo.[32]

Một số chỉ huy tiểu đoàn đề nghị nên di chuyển gián đoạn từng tiểu đoàn nhưng Koča Popović, Chỉ huy trưởng Lữ đoàn Vô Sản 1 không chấp nhận chủ trương đó. Theo ông, phải tập trung toàn bộ sức mạnh của cả lữ đoàn mới có thể đương đầu với các lực lượng mạnh của quân Đức, trong đó có Lữ đoàn cảnh vệ SS cơ giới hóa đang đóng tại Sarajevo. Ngày 26 tháng 1, các tiểu đoàn được tập trung, kiểm tra vũ khí và mang theo cơ sơ đạn dược tối đa. Quần áo và trang bị được sây khô. Những trang bị nặng và các đồ dùng cồng kềnh đều được bỏ lại để những con ngựa có thể chở theo nhiều đạn dược và lương thực. Pero Cetkovic, chỉ huy Tiểu đoàn 1 Montenegro yêu cầu các chiến sĩ của mình dùng mỡ cừu thay cho mỡ hóa học để bôi trơn các khẩu súng của mình vì nó sẽ không bị đông cứng lại dưới trời rét như mỡ hóa học. Chiều 27 tháng 1, đoàn quân bắt đầu xuất phát. Lữ đoàn Vô Sản 1 chịu trách nhiệm mở đường. Tiếp theo là tiểu đoàn bảo vệ Sở chỉ huy NOAJ, Bộ chỉ huy NOAJ và các ủy viên của Hội đồng cố vấn. Các đại đội du kích còn lại chịu trách nhiệm chặn hậu và bảo vệ hai bên sườn. Tổng tư lệnh Josip Broz Tito chỉ huy cuộc hành quân.[32]

22 giờ đêm 28 tháng 1, Tiểu đoàn 1 đã tiếp cận chân núi Igman và bắt đầu mở đường qua núi. Tiểu đoàn 2 triển khai ra hướng Sarajevo sẵn sàng đánh lui các cuộc tấn công của quân Đức. Tiểu đoàn 3 chiếm lĩnh đường giao thông từ Sarajevo đi Blažuj. Nửa đêm 28 rạng ngày 29 tháng 1, Bộ chỉ huy NOAJ được tiểu đoàn cảnh vệ hộ tống bắt đầu vượt qua núi Igman. Từ độ cao 300 m trở lên, băng đóng dày hơn gây trơn trượt nguy hiểm trong khi các hầu hết các đoạn đường mòn trên núi đều men theo các bờ vực sâu và một bên là vách đá dựng đứng. Các loại giày cũ rách đều được đem ra bọc móng ngựa để cúng có thể đi lại được trên mặt băng. Các đại đội du kích đi sau ngoài nhiệm vụ cản hậu khi cần còn có nhiệm vụ xóa hết các dấu vết của cuộc hành quân để lại trên mặt băng tuyết. Cũng từ độ cao này, có nhiều vách đá dốc đứng đến mức ngựa không còn mang theo các trang bị được nữa. Một vài con đã rơi xuống vực sâu. Quân du kích phải dùng sức người mang vác súng máy hạng nặng, súng cối và đạn dược. Sau ba ngày hành quân dọc theo các triền núi Igman, Lữ đoàn Vô Sản 1, các đại đội du kích Kragujevač, Kraljevač, Sumadisk và toàn bộ Sở chỉ huy NOAJ đã vượt khỏi vòng vây của quân Đức và quân Ustaše đến Presjenica và bắt đầu hoạt động ở miền Đông Bosnia.[34] Cuộc hành quân này đã được nhà văn Slobodan Stojanović viết kịch bản và nhà đạo diễn điện ảnh Nam Tư Zdravko Sotra dựng thành bộ phim "Cuộc hành quân Igman" dài 96 phút, khởi chiếu ngày 27 tháng 6 năm 1983.[35]

Các chiến dịch của du kích tại Bosanska Krajina và cuộc tấn công thứ ba của quân Đức

Ngày 1 tháng 3 năm 1942, trên cơ sở các đội du kích đang hoạt động ở miền Đông Bosnia vừa đánh bại các lực lượng Chetnick lúc này đã bắt tay với quân Đức và các đại đội vừa từ tây bắc Montenegro di chuyển đến, Bộ Tổng tư lệnh Quân giải phóng nhân dân Nam Tư quyết định thành lập Lữ đoàn du kích Vô sản 2. Lữ đoàn gồm các tiểu đoàn Cajnice, Uzice, Cacak và Sumadia với quân số khoảng 1.000 người. Lo ngại trước sự phát triển của phong trào du kích, ngày 3 tháng 3 năm 1942, tại Opatija, liên quân Đức - Ý đã thống nhất một kế hoạch hành động chung để dập tắt các hoạt động du kích do Đảng Cộng sản Nam Tư lãnh đạo, dự định khởi sự ngày 15 tháng 3 với binh lực tập trung gồm 3 sư đoàn được gọi là Cụm tác chiến Bader. Tuy nhiên, so sự chậm chạp của Sư đoàn bộ binh sơn chiến 9 (Ý), hai lữ đoàn du kích Nam Tư không những không bị tiêu diệt mà còn luồn sâu vào hậu phương của liên quân Đức - Ý, đánh phá một số cơ sở hậu cần, phục kích các đoàn xe tải, lật đổ các đoàn tàu hỏa của quân Đức và quân Ý. Trong tháng 3 và tháng 4 năm 1942, các lữ đoàn Vô Sản 1 và 2 đã giải phóng hai khu vực Borač và Kalinovik, nối liền hai khu giải phóng này với vùng hoạt động của các lực lượng du kích tại Montenegro và Herzegovina.[36]

Lữ đoàn Du kích Vô Sản 4 (Nam Tư) mang tên "Lữ đoàn xung kích Montenrgro 1" tại Jajce

Ngày 5 tháng 6 năm 1942, trên có sở các đại đội du kích còn đang hoạt động ở Montenegro và Herzegovina, Bộ Tổng tư lệnh NOAJ quyết định thành lập thêm Lữ đoàn du kích Vô sản 3 (Lữ đoàn Sandžač) tại Foca gồm 5 tiểu đoàn với quân số 958 các bộ, chiến sĩ.[37] Ngày 10 tháng 6, Lữ đoàn du kích Vô sản 4 (còn gọi là Lữ đoàn xung kích Montenrgro) ra đời tại làng Jajce trên núi Zelengori gồm 5 tiểu đoàn với tổng quân số 1.080 người.[38] Ngày 12 tháng 6 năm 1942, Lữ đoàn du kích Vô sản 5 (còn gọi là Lữ đoàn xung kích Montenegro thứ hai) ra dời tại làng Smriječ gần Piva, gồm 4 tiểu đoàn với tổng quân số 845 cán bộ chiến sĩ. Chỉ sau một năm, từ một số đội du kích nhỏ lẻ, Quân Giải phóng nhân dân Nam Tư đã phát triển được 5 lữ đoàn và 6 tiểu đoàn với tổng quân số khoảng 5.000 người. Tuy nhiên, họ vẫn còn thiếu nhiều vũ khí nặng. Súng cối rất ít và đều thuộc loại cỡ nòng dưới 81 mm. Pháo và xe bọc thép có thể đếm trên đầu ngón tay. Không có máy bay. Trang bị cho bộ binh gồm đủ các chủng loại súng trường, tiểu liên, trung liên và một ít đại liên của nhiều nước như Anh, Đức, Ý và Liên Xô.[39] Trong các chiến dịch và các trận đánh, nhiều cán bộ cốt cán tử trận. Để kịp thời bổ sung đội ngũ cán bộ chỉ huy, tháng 7 năm 1942, Bộ Tổng tư lệnh Quân Giải phóng nhân dân Nam Tư đã thành lập Trường Sĩ quan chỉ huy và chính ủy của Quân đội Nam Tư (NOAJ).

Ngày 10 tháng 6 năm 1942, Quân Đức huy động các sư đoàn bộ binh 704, 714, 718, Trung đoàn pháo binh 202, Tiểu đoàn xe tăng 23 và 2 tiểu đoàn biên phòng cùng 6 lữ đoàn, 3 trung đoàn quân Ustaše và giang đội Danube của Hungary với tổng quân số 45.000 người mở cuộc tấn công lớn vào Lữ đoàn Vô sản 2 và các đội du kích Nam Tư đang hoạt động tại Grmeč và Kozari chỉ có khoảng 3.500 quân cùng với hơn 30.000 người tình nguyện nhưng hầu hết đều chỉ có vũ khí thô sơ. Một trận chiến không cân sức đã diễn ra trong hơn một tháng tại tỉnh Vojvodina được lịch sử biết đến với tên gọi "Cuộc thảm sát Korazy". Do quân Đức chiếm ưu thế gần như tuyệt đối về binh lực nên quân du kích Nam Tư sử dụng chiến thuật chia nhỏ, luồn tránh và bất ngờ tập kích vào các toán quân Đức đang càn quét, các đồn binh nhỏ lẻ. Sau hơn chục trận đánh lớn nhỏ, Lữ đoàn Vô sản 2 và các đội du kích bị tổn thất nặng với khoảng 1.700 thương vong. Tuy nhiên, Ban chỉ huy lữ đoàn này cùng với hơn 800 quân du kích và quân tình nguyện đã thoát khỏi vòng vây. Thương vong của quân Đức và quân Ustaše lên đến 7.000 người. Như mọi lần sau thất bại vì không tiêu diệt được chủ lực du kích Nam Tư, các tướng tá Đức đã hạ lệnh cho quân Ustaše tiến hành các cuộc tàn sát thường dân. Theo thống kê của Viện Lịch sử Serbia, có 33.398 người đã trở thành nạn nhân của quân Ustaše trong các cuộc bắn giết tại Kozary từ ngày 10 tháng 6 đến 18 tháng 7 năm 1942.[40] Trong chiến dịch này, các phi công Kluz Franjo và Rudi Cajevac thuộc lực lượng không quân Ustaše đã chạy sang hàng ngũ du kích Nam Tư. Hai phi công này đã sử dụng các máy bay ném bom Potez 25Breguet Br.19 thực hiện các cuộc oanh tạc xuống đội hình quân Đức và quân Ustaše, gây nhiều thương vong. Ngày 4 tháng 7, chiếc Breguet Br.19 của Rudi Cajevac bị trúng đạn phòng không Đức khi đang ném bom sân bay Banja Luka. Ông bị thương và buộc phải hạ cánh khẩn cấp gần làng Kadinjani rồi tự sát. Ngày 6 tháng 7 năm 1942, chiếc Potez 25 của Kluz Franjo tại sân bay Lusca Palanka cũng bị không quân Đức phát hiện và phá hủy. Sau gần 2 năm làm việc tại Ban nghiên cứu phát triển hàng không của Quân giải phóng nhân dân Nam Tư, ngày 22 tháng 4 năm 1944, Kluz Franjo trở thành chỉ huy phi đội máy bay đầu tiên của Không quân Quân giải phóng nhân dân Nam Tư được thành lập tại đảo Vis của Nam Tư.[41][42]

Sau khi nắm trong tay các lực lượng mới phát triển, từ tháng 7 năm 1942, NOAJ đã mở nhiều cuộc tấn công vào quân Đức và quân Ustaše để mở rộng các khu giải phóng. Đầu tháng 7 năm 1942, Lữ đoàn Vô Sản 3 phá vỡ vòng phong tỏa của quân Ustaše quanh vùng núi Treskavica và bất ngờ mở các cuộc đột kích vào thị trấn nhà ga Hadzic trên tuyến đường sắt Sarajevo - Konjic, tiêu diệt một số đội tuần tiễu của quân Đức, phá hủy hàng chục km đường sắt, 8 cây cầu, nhiều ô tô và hơn 10 đầu máy xe lửa. Đêm ngày 7 rạng ngày 8 tháng 7, Lữ đoàn Vô sản 1 đột kích vào thành phố Konjic, tiêu diệt gần hết tiểu đoàn bảo vệ thành phố của quân Ustaše, phá hủy nhà ga đầu mối Konjic và 25 đầu máy xe lửa, thu giữ nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng tại các nhà kho. Lữ đoàn Vô sản 1 đã làm gián đoạn tuyến đường sắt Sarajevo - Mostar trong hai tháng, đặc biệt là làm gián đoạn việc vận chuyển quặng nhôm từ các mỏ bôxít tại Mostar về Đức, gây nhiều tổn thất cho quân chiếm đóng Đức.[40][43]

Cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm 1942, bốn lữ đoàn du kích Nam Tư tiếp tục phát triển tấn công. Ở cánh phải, các lữ đoàn Vô Sản 2 và 4 kéo quân đánh vào các thị trấn Bitovanje, Vranica, nhổ các đồn binh của quân Đức và quân Utashi dọc theo sông Vrbas. Trên cánh trái, các lữ đoàn Vô Sản 1 và 3 đạt được nhiều thành công lớn hơn. Sau khi đánh chiếm các thị trấn Gorneg Vakuf, Bugojno và Donji Vakuf, họ phát triển tấn công giải phóng Prozor, Suzic và Duvno. Ngày 5 tháng 8, các lữ đoàn Vô Sản 1, 3, 5 đã hiệp đồng tác chiến giải phóng thành phố Livno. Quân du kích Nam Tư vừa đánh, vừa phát triển lực lượng. Trên cơ sở đội du kích Herzegovina NOP và đội du kích Mostar, ngày 10 tháng 8, Bộ Tổng tư lệnh NOAJ quyết định thành lập Lữ đoàn Xung kích 10 mang tên Herzegovina. Lữ đoàn ra mắt tại làng Sujica thuộc thành phố Duvno, gồm 2 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn kỵ binh và 1 đại đội pháo binh với quân số ban đầu 620 người.[44]

Cộng hòa Bihać và Hiệp hội giải phóng dân tộc Nam Tư chống phát xít (AVNOJ)

Koča Popović, Tư lệnh đầu tiên của Sư đoàn du kích Vô Sản 1 (Nam Tư)Lãnh thổ nước Cộng hòa Bihać (màu hồng), vùng giải phóng lớn nhất ở Nam Tư trong năm 1942-43

Cuộc tấn công lần thứ ba của liên quân Đức - Ustaše nhằm dập tắt phong trào du kích ở Nam Tư thất bại. Đến giữa tháng 11 năm 1942, vùng giải phóng do Quân Giải phóng nhân dân Nam Tư đã bao gồm một phần lớn lãnh thổ Bosnia, một phần lãnh thổ Serbia, Slovenia và Croatia. Lãnh thổ này trải dài từ Karlovac qua Neretva và dọc theo sông Bosna ra đến biển Adriatic, rộng trên 48.000 km vuông với trung tâm là Bihać. Trừ Sarajevo, các thành phố và thị trấn quan trọng tại Bosnia đều nằm trong tay quân do Kích Nam Tư gồm Bihać, Bosanska Krupa, Podgrad, Velika Kladuša, Cetingrad và Podcetin. Quân Giải phóng Nam Tư cũng hoạt động tích cực tại nhiều thành phố khác của Bosnia như Mrkonjić, Jajce, Skender Vakuf, Kotor Varos, Teslić và Prnjavor. Tuy nhiên, đây không phải là một nhà nước riêng biệt. Tên gọi Cộng hòa Bihać chỉ có tính chất tượng trưng vì Bihać là nơi đóng trụ sở của cơ quan lãnh đạo Đảng Cộng sản Nam Tư và Tổng hành dinh của Quân Giải phóng nhân dân Nam Tư, được coi như thủ đô kháng chiến của Nam Tư.

Ngày 28 tháng 10 năm 1942, Tổng hành dinh NOAJ ra quyết định cải tổ Quân Giải phóng nhân dân Nam Tư thành Quân đội và du kích giải phóng nhân dân Nam Tư. Đội ngũ các đơn vị được biên chế lại thành các Sư đoàn gồm có:

  • Sư đoàn Vô Sản 1 được thành lập ngày 1 tháng 11 do Koča Popović làm tư lệnh, Ủy viên trung ương KPJ Mijalko Todorovic làm chính ủy, quân số ban đầu 3.200 người.
  • Sư đoàn Vô Sản 2 được thành lập ngày 2 tháng 11 do Peko Dapčević làm tư lệnh, Mitar Bakic, nguyên chỉ huy Lữ đoàn vô sản 4 làm chính ủy, quân số ban đầu 3.280 người.
  • Sư đoàn Xung kích 3 được thành lập ngày 2 tháng 11 do Pero Ćetković làm tư lệnh, Radomir Babić làm chính ủy, quân số ban đầu khoảng 3.000 người.
  • Sư đoàn Krajina 4 được thành lập ngày 9 tháng 11 do Josip Mazar Shosha làm tư lệnh, Milinko Kušić làm chính ủy, quân số ban đầu 4.705 người.
  • Sư đoàn Krajina 5 được thành lập ngày 9 tháng 11 do Slavko Rodić làm tư lệnh, Ylija Dosen làm chính ủy, quân số ban đầu 3.920 người.
  • Sư đoàn Vô Sản 6 được thành lập ngày 22 tháng 11 do Srećko Manola làm tư lệnh, Rade Girić làm chính ủy, quân só ban đầu 4.320 người.
  • Sư đoàn Banijska 7 được thành lập ngày 22 tháng 11 do Pavle Jaksić làm tư lệnh, Duro Kladarin làm chính ủy, quân số ban đầu 2.539 người.
  • Sư đoàn Kordunaška 8 được thành lập ngày 22 tháng 11 do Vlado Ćetković làm tư lệnh, Arthur Turkulin làm chính ủy, quân số ban đầu 4.200 người.
  • Sư đoàn Slavonia 12 được thành lập ngày 30 tháng 12 năm 1942 do Petar Drapšin làm tư lệnh, Jefto Šašić làm chính ủy, quân số ban đầu khoảng 2.700 người.
Tòa nhà ở Bihać, nơi diễn ra phiên họp đầu tiên thành lập AVNOJ, nay trở thành Nhà bảo tàng Bihać

Đầu năm 1943, có thêm 4 sư đoàn du kích được thành lập gồm có:

  • Sư đoàn Dalmatia 9 được thành lập ngày 13 tháng 2 năm 1943 do Ante Banina làm tư lệnh, Edo Santini làm chính ủy, quân số ban đầu 2.118 người.
  • Sư đoàn Krajina 10 được thành lập ngày 13 tháng 2 năm 1943 do Milorad Mijatovic làm tư lệnh, Nikola Kotle làm chính ủy, quân số ban đầu 3.509 người.
  • Sư đoàn Primorie-Gorski 13 được thành lập đầu tháng 4 năm 1943 do Veljko Kovacevic làm tư lệnh, Josip Skočilić làm chính ủy, quân số ban đầu 5.600 người.
  • Sư đoàn Krajina 11 được thành lập đầu tháng 6 năm 1943 do Jarko Zgonjanin làm tư lệnh kiêm chính ủy, quân só ban đầu khoảng 2.000 người.

Song song với việc cải tổ lại tổ chức quân đội, những người cộng sản Nam Tư cũng xúc tiến việc thành lập một tổ chức thống nhất dân tộc để đoàn kết tất cả các lực lượng chống phát xít trên toàn lãnh thổ Nam Tư. Trong các ngày 26 và 27 tháng 11 năm 1942, tại thành phố Bihać đã diễn ra phiên họp thứ nhất của Hiệp hội giải phóng dân tộc Nam Tư chống phát xít (AVNOJ) (Tiếng Serbia: Антифашистичко веће народног ослобођења Југославије (АВНОЈ)).[45] Trong số 78 đại biểu được triệu tập từ 8 xứ của Nam Tư, chỉ có 54 đại biểu đến dự. 24 đại biểu còn lại đã không thể đến Bihać do điều kiện chiến tranh chia cắt các tuyến giao thông. Các đại biểu đã thông qua Nghị quyết số 1 về việc thành lập AVNOJ. AVNOJ tuy không có các đặc điểm của một cơ quan quyền lực nhà nước nhưng có tính chất như một mặt trận giải phóng dân tộc, tập hợp tất cả các lực lượng chính trị, các sắc tộc ở Nam Tư, không phân biệt phe phái nhằm đấu tranh chống các thế lực phát xít và ngoại xâm để giải phóng các dân tộc và quốc gia Nam Tư.[46]

Hội nghị đã bầu ra Ban lãnh đạo tối cao AVNOJ do Tiến sĩ Ivan Ribar làm Chủ tịch, 4 phó chủ tịch gồm Tiến sĩ Pavle Savić, Nurija Pozderac, Edvard Kardelj và Edvard Kocbek. 6 ủy viên gồm Mile Perunicić, Ivan Milutinović, Sima Milosević Vlada Zechević Mladen Iveković và Veselin Maslesa. Tổ chức của AVNOJ ở cấp tối cao gồm các ban kinh tế - tài chính, giáo dục, nội vụ, y tế, xã hội và tuyên truyền do các ủy viên phụ trách. Tổ chức của hiệp hội ở các địa phương gồm các Ủy ban nhân dân giải phóng (NOO) có chức năng như một cơ quan chính phủ lâm thời tại địa phương, có nhiệm vụ trực tiếp phối hợp với các lực lượng quân sự để cùng tiến hành đấu tranh vũ trang và thực hiện các quyết định của mình, giữ liên hệ chặt chẽ với trung ương AVNOJ và chỉ đạo hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội trong các vùng giải phóng. Ở những vùng còn tại chiếm, NOO hoạt động theo phương thức bí mật bất hợp pháp. Cơ cấu tổ chức của NOO trên toàn lãnh thổ Nam Tư cũng được hoạch định gồm có:[46]

  • Ủy ban nhân dân giải phóng ở nông thôn (làng) gồm từ 3 đến 5 thành viên là cấp cơ sở ở nông thôn.
  • Ủy ban nhân dân giải phóng thành phố là cấp cơ sở ở đô thị, có từ 5 đến 10 thành viên, do một chủ tịch và một thư ký điều hành và các ủy viên phụ trách các lĩnh vực kinh tế tài chính, xã hội, tuyên truyền và quân sự.
  • Ủy ban nhân dân huyện giải phóng gồm từ 15 đến 25 người, do Chủ tịch và từ 1 đến 2 Phó chủ tịch lãnh đạo cùng các thành viên phụ trách các vấn đề kinh tế, hậu cần cho quân đội, xã hội, y tế, văn hóa, giáo dục, nội vụ, tư pháp và quân sự.
  • Ủy ban nhân dân giải phóng quận có cơ cấu tỏ chức tương tự như Ủy ban nhân dân giải phóng huyện nhưng có quy mô lớn hơn để quản lý một vùng giải phóng rộng hơn.
  • Ủy ban nhân dân giải phóng tỉnh có cơ cấu lớn hơn cấp quận, chỉ được thành lập ở các tỉnh đã hoàn toàn giải phóng.
  • Ủy ban nhân dân giải phóng nước cộng hòa được thành lập vào năm 1943, khi NOO ra nghị quyết thành lập Liên bang dân chủ Nam Tư để điều hành các hoạt động quản lý hành chính nhà nước trên lãnh thổ các nước cộng hòa thành viên của Nam Tư. Liên bang dân chủ Nam Tư tồn tại đến cuối Chiến tranh thế giới thứ hai và được chuyển đổi thành Cộng hòa nhân dân Nam Tư.

Cuộc kháng chiến tại Macedonia 1941 - 1942

Mice Kozar và Trajko Boškovski-Tarcan, các chỉ huy du kích Macedonia ở Prilev

Ban đầu, Bulgaria không tham gia các hoạt động quân sự ở Nam Tư nhưng sau khi quân chính phủ hoàng gia Nam Tư đầu hàng, ngày 18 tháng 4, Hitler "mời" Bulgaria tham gia kiểm soát một phần lãnh thổ Nam Tư mà trực tiếp là một phần xứ Macedonia (Theo hiến pháp của Vương quốc Nam Tư năm 1931 gọi là Vardar Banovina) giáp giới phía tây Bulgaria. Ngày 19 tháng 4 năm 1941, Ủy ban hành động trung ương Bulgaria được thành lập do Stefan Stefanov làm chủ tịch và Vasil Khadzi Kimov làm thư ký để giúp chính phủ Bulgaria kiểm soát xứ Macedonia. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, một số thành viên của Ủy ban này trong đó có những người của Đảng cộng sản Nam Tư tại Macedonia như Panko Brasnarov và Strakhil Gigov cũng như một số thành viên của Phong trào vận động tự trị cho Macedonia 1919-1931 (VMRO) có xu hướng muốn xây dựng một xứ Macedonia tự trị. Khẩu hiệu của họ là "Macedonia của người Macedonia, thà chết tự do còn hơn sống trong sự chiếm đóng". Do đó, ngày 7 tháng 7 năm 1941, chính phủ Bulgaria thân Đức đã giải thể Ủy ban này.[47]

Ngày 17 tháng 5 năm 1941, Metodija Shatorov (bí danh "Charlo"), Bí thư Đảng bộ cộng sản Nam Tư khu vực Macedonia đã ra một tuyên cáo có tên "Thư gửi Stojan" (Писмото до Стојана) bằng tiếng Macedonia. Bức thư lên án sự đầu hàng hèn nhát của chính phủ hoàng gia Nam Tư, lên án việc những lực lượng ly khai ở Croatia và Serbia bắt tay với Đức Quốc xãPhát xít Ý. Bức thư vạch rõ việc quân đội Bulgaria có mặt ở Macedonia từ tháng 5 năm 1941 không phải là quân đội giải phóng mà thực chất là một quân đội chiếm đóng giống như các lực lượng Đức và Ý đang chiếm đóng Nam Tư nên mục tiêu đòi độc lập cho Macedonia khỏi ách chiếm đóng của Bulgaria là cần thiết và cấp bách ngay trong lúc này. Cuối cùng, bức thư kêu gọi đoàn kết tất cả các tầng lớp người dân Macedonia chống lại quân chiếm đóng, chống lại việc chia cắt Macedonia và tranh thủ sự ủng hộ của Đảng Công nhân Bulgaria. Tại Hội nghị Đảng bộ cộng sản Macedonia tại Skopje ngày 17 tháng 8 năm 1941, Metodija Shatorov đã không mời Dragan Pavlovic, Ủy viên trung ương KPJ đang có mặt tại Skopje tham dự nhưng lại mời Peter Bogdanov, Ủy viên trung ương Đảng Công nhân Bulgaria (cộng sản) (BKP) tham dự. KPJ lập tức có phản ứng. Họ cho rằng đường lối của Metodija Shatorov bắt tay với những người Bulgaria là sai lầm chính trị lớn, tạo ra nguy cơ chia cắt Nam Tư vào tay Bulgaria. Đầu tháng 8 năm 1941, Metodija Shatorov gia nhập BKP và được đảng này điều động đến công tác tại Đảng bộ Sofia và phụ trách cả khu vực Skopje. Còn tại Macedonia, Dragan Pavlovic được trung ương KPJ cử làm Bí thư Đảng bộ Macedonia. Đây là một sự chia rẽ đầu tiên xảy ra giữa hai đảng cộng sản của hai nước quan trọng thuộc vùng Balkan trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Dưới sự chỉ đạo của Dragan Pavlovic, ngày 22 tháng 8 năm 1941, Đội du kích Macedonia đầu tiên được thành lập tại Skopje gồm 42 người do Cedomir Milenkovic chỉ huy và Dame Krapchev làm chính ủy.[48][49]

Ngày 2 tháng 8, tại các thành phố Skopje, Bitola, Prilep và các thị trấn khác đã nổ ra các cuộc biểu tình do các đảng viên cộng sản lãnh đạo chống quân chiếm đóng Bulgaria. Cảnh sát Bulgaria đã ngăn chặn, đàn áp và bắt giam một số người cầm đầu. Cuối tháng 8 năm 1941, Ủy ban khu vực của KPJ chỉ đạo những cộng sản tổ chức chiến dịch phá hoại ngầm có mật danh "Radusha". Ngày 15 tháng 9, một nhóm du kích Macedonia đã tổ chức đánh úp một đồn binh của quân Bulgaria đang bảo vệ hầm đường sắt xuyên qua núi Babunia Gostirajani. Du kích bắn bị thương 2 lính Bulgaria và trốn thoát. Ngày 8 tháng 10, cảnh sát Bulgaria tìm ra nơi ẩn nấp của nhóm du kích này tại Prilev nhưng chỉ bắt được chủ nhà, ba du kích đã biến mất. Ngày 12 tháng 10, nhóm du kích do Traiko Bojkov (biệt danh "Tarzan") chỉ huy đã tấn công đồn cảnh sát Prilev và nhà tù để giải cứu cho những người bị bắt, 11 cảnh sát Bulgaria bị bắn chết, 30 người khác bị thương. Hiến binh Bulgaria kéo đến đông hơn đã làm thất bại cuộc giải cứu, hạ sát 12 du kích và bắt giam hơn 20 người khác. Ngày 8 tháng 11, 22 du kích tấn công làng Tsarevik ở Prilev, đốt cháy nhà kho rồi rút lui. Không bắt được du kích, cảnh sát Bulgaria bắt đi 8 người dân trong làng vì tội tiếp tế lương thực cho du kích.[50]

Cuối tháng 10 và trong cả tháng 11 năm 1941, cảnh sát Bulgaria tiến hành một chiến dịch truy quét du kích hoạt động ngầm tại các thành phố Skopje, Bitola, Prilep và nhiều làng mạc ở Bắc Macedonia, bắt giữ 24 du kích và cả thường dân tại các thị trấn Beljakovce và Kumanovo. 9 người thiệt mạng trong các cuộc đấu súng. Một nhóm 18 du kích khác cũng bị bắt trên núi Kozjak. Nhiều súng ngắn và chất nổ cùng một số phương tiện in ấn thô sơ bị thu giữ. Cuối tháng 11, do thiếu vũ khí và các điều kiện cho cuộc đấu tranh vũ trang cũng như các cuộc càn quét liên miên của cảnh sát và hiến binh Bulgaria, các đội du kích đầu tiên ở Varda Macedonia lần lượt bị đánh bại. Sự chia rẽ phe phái giữa KPJ và BKP trong nội bộ du kích Macedonia cũng là một trong những nguyên nhân làm suy yếu họ. Trong một bức thư gửi Trung ương KPJ, Dragan Pavlovic đề nghị Trung ương KPJ phải đàm phán với Trung ương BKP để chấm dứt chia rẽ và có biện pháp để ngăn chặn tư tưởng sô vanh trong phong trào cộng sản ở Serbia cũng như loại trừ các phần tử gây hận thù chống lại Nam Tư trong phong trào cộng sản ở Bulgaria. Ông cũng dề nghị chuyển cuộc đấu tranh vũ trang về địa bàn nông thôn và rừng núi để xây dựng lực lượng. Tuy nhiên, trong bức thư trả lời ngày 6 tháng 12, Josip Broz Tito chỉ đồng ý chuyển hướng hoạt động ra ngoài các khu đô thị nhưng lại bác bỏ việc đánh giá tình hình Vardar Macedonia của Dragan Pavlovic.[51]

Cuối năm 1941, Tòa án của chính quyền Bulgaria thân Đức mở hàng chục phiên tòa xử xét xử các du kích Nam Tư tại Macedonia. 38 án tử hình và 63 án khổ sai chung thân được tuyên và thi hành ngay. 26.451 người dân gốc Serbia bị trục xuất khỏi Macedonia và đưa đi các trại tập trung.

Đầu năm 1942, Boris Adreyev, Ủy viên trung ương KPJ được cử đến thay thế Dragan Pavlovic chỉ đạo phong trào du kích ở Macedonia và gần như phải gây dựng lại từ đầu. Trước tiên, Boris Adreyev cho rải nhiều truyền đơn kêu gọi "Những người Macedonia không chiến đấu cho Hitler", "Người Macedonia hãy đoàn kết để tự giải phóng", "Hãy làm tất cả cho cuộc đấu tranh hiện nay của những người Macedonia". Tháng 3 năm 1942, Boris Adreyev đã tổ chức được ba đội du kích mới. Đội Veles có 65 người, đội Skopje có 20 người, các đội Bitola và Krushevska mỗi đội có khoảng 30 đến 40 người. Riêng đội Prilev do Pêtre Toshev chỉ huy có gần 200 người. Trong mùa hè và mùa thu năm 1942, các đội du kích Nam Tư tại Macedonia đã tổ chức hơn 80 trận đánh và mở rộng vùng kiểm soát. Bất chấp các chiến dịch đàn áp của cảnh sát và hiến binh Bulgaria, ở nhiều làng đã lập ra các ủy ban cách mạng và đẩy mạnh tuyên truyền gây thanh thế cho du kích. Trong các trận đánh, 70 du kích thiệt mạng, 60 người khác bị bắt. Tuy nhiên, quân du kích vẫn duy trì và phát triển lực lượng từ những người được tuyển mộ. Đến đầu năm 1943, du kích Macedonia đã giải phóng được bốn vùng tự do được gọi là "Lãnh thổ Macedonia mới". Vùng thứ nhất tại vùng núi Pajak và thung lũng Karadzhova, mở rộng đến Gevgelija, Tikvesh và Mariovo. Vùng thứ hai tại các dãy núi Kozjak Kriva và mở rộng đến Kumanovo và Ruen. Vùng thứ ba gồm hai thị trấn Kicevo, Debar và vùng thứ tư tại các huyện Prespa, Kozuv đều nằm trên khu vực chiếm đóng của quân Ý.[52]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_tranh_nhân_dân_giải_phóng_Nam_Tư http://www.bmlv.gv.at/omz/ausgaben/artikel.php?id=... http://www.novosarajevo.ba/stream/press/index.php?... http://www.radiosarajevo.ba/novost/68603/dan-repub... http://komunisti.50webs.com/centartito21.html http://macedonia-history.blogspot.com/2006/10/1941... http://www.feldgrau.com/stats.html http://books.google.com/books?id=R8d2409V9tEC&pg=P... http://books.google.com/books?id=da6acnbbEpAC&lpg=... http://www.imdb.com/title/tt0085713/ http://www.ingentaconnect.com/content/routledg/rmi...